Khoảng 30% bệnh nhân có mức độ tàn phế trung bình, có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng không thể quay trở lại công việc ban đầu. Người bệnh có thể đi được nhưng phải nhờ vào sự trợ giúp của gậy, khung.
Còn lại 20% bệnh nhân với mức tàn phế nặng, hầu như phải nằm một chỗ trên giường bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân, đòi hỏi người nhà phải hỗ trợ mọi sinh hoạt cá nhân.
Tử vong có thể xảy ra trong thời gian nằm viện hoặc sau khi xuất viện liên quan các biến chứng thường gặp sau đột quỵ như bệnh nhân bị viêm phổi do hít sặc, vết loét da gây nhiễm trùng, dinh dưỡng kém hoặc có thể do đột quỵ tái phát sớm.
1. Làm sao có thể hồi phục các chức năng thần kinh tốt nhất sau đột quỵ
3 giờ đầu tiên sau đột quỵ được xem là thời điểm vàng, khả năng hồi phục rất cao nếu được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ. Do vậy khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ tác dụng, những việc này sẽ làm chậm trễ thời gian vàng cho điều trị.
Nên cho bệnh nhân đột quỵ tập vận động càng sớm khi có thể. Có nhiều quan niệm sai lầm khi bắt bệnh nhân nằm nguyên một tư thế, thậm chí không được nhúc nhích đầu sau khi bị đột quỵ. Hiện nay, các thầy thuốc đều khuyến cáo nên cho các bệnh nhân tập luyện sớm, có thể bắt đầu sau 24 hoặc 48 giờ, khi đã qua giai đoạn nguy hiểm. Ngoài ra việc tập vận động sớm có thể làm giảm các biến chứng khác như viêm phổi, loét do tì đè…
Thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp ích cho việc phục hồi vận động ở các bệnh nhân đột quỵ, đặc biệt trên các đối tượng có biểu hiện rối loạn cảm xúc, tinh thần sau đột quỵ.
Hồi phục sau đột quỵ là một quá trình tự nhiên. Quá trình phục hồi đòi hỏi thời gian – phần lớn trong 3-6 tháng đầu, nhưng có thể tiếp tục tiến triển cho đến 2 năm hoặc lâu hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị tàn phế nặng.
2. Chế độ dinh dưỡng
Ưu tiên dùng các thức ăn dễ hấp thu, giàu dinh dưỡng như sữa, sinh tố, nước ép từ rau củ quả. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Tránh các thức ăn nhiều cholesterol, giảm muối.
Tuyệt đối tránh thuốc lá, hạn chế tối đa bia rượu.
Nguy cơ tái phát sau đột quỵ
Nguy cơ tái phát của đột quỵ tùy thuộc vào cơ chế, nguyên nhân gây ra đột quỵ. Ước tính tính chung thì tỷ lệ tái phát khoảng 25% trong 5 năm đầu tiên. Nếu nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nguy hiểm hơn thì tỷ lệ này sẽ cao hơn. Những bệnh nhân có những xơ vữa nặng các động mạch não thì nguy cơ tái phát có thể lên đến 20% trong năm đầu tiên.
3. Phòng ngừa tái phát
Đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của đột quỵ. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng này có thể giảm rõ rệt bằng điều trị thích hợp.
Sau khi đột quỵ lần đầu tiên thì nguy cơ tái phát rất cao, đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên. Bệnh nhân cần phải tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm các thuốc giảm tình trạng xơ vữa mạch máu, thuốc chống kết hợp tiểu cầu, kháng đông và các thuốc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường…
Ngoài ra, còn có những thuốc khác để hỗ trợ, giúp bệnh nhân cải thiện về mặt tinh thần và cảm xúc sau đột quỵ. Cần duy trì các thuốc phòng ngừa lâu dài, không nên tự ý dừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ và phải tái khám đều đặn.
Đối với các bệnh nhân chưa bị đột quỵ, nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng để có thể phát hiện sớm bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao và bệnh tim mạch.
Khi các triệu chứng của đột quỵ xuất hiện trở lại, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Việc điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Đừng chờ đợi cho các triệu chứng mất đi. Thông báo cho các thành viên gia đình hoặc những người bạn xung quanh khi có những triệu chứng báo động.
Theo Thảo Trần